Ngày nay, mạng xã hội phát triển mạnh, điện thoại thông minh trở nên phổ biến, việc giao tiếp, kết nối thông tin giữa các cá nhân, cộng đồng rất thuận tiện. Trong đó, không thể không nói đến tiện ích của việc lập các nhóm chat (trên zalo, facebook,..) đã giúp việc trao đổi thông tin được nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, thông tin trên các nhóm chat cũng mang lại không ít những bất tiện cho các thành viên trong nhóm. Việc sử dụng nhóm chat để mang lại hiệu quả cũng là một trong những quy tắc ứng xử văn hóa mà chúng ta cũng nên quan tâm.

Bản thân tôi cũng tham gia một vài nhóm chat như nhóm bạn bè học phổ thông, đại học, nhóm phụ huynh các con, nhóm đồng nghiệp của Công ty,v.v…Nhờ các nhóm này mà thông tin được cập nhật nhanh hơn, tiện hơn, bởi một người đăng tải thì cả nhóm cùng được biết. Tuy nhiên, với một thông tin được đưa trên nhóm thì có những cách ứng xử khác nhau, có thành viên bày tỏ sự tôn trọng bằng cách dùng các kính ngữ như “vâng ạ”, “ok anh/chị ạ”, hoặc hỏi thêm những thông tin khác mang tính riêng tư,…có thành viên thì không bao giờ tương tác. Việc trao đổi riêng tư hoặc không có một sự tương tác nào trên nhóm là những cách ứng xử chưa phù hợp trong một tập thể.

Nhóm chat là nơi chia sẻ thông tin và việc thảo luận mang tính tập thể. Vì vậy, khi nhận được một thông báo nào đó trong nhóm thì chúng ta có thể chỉ cần like (C) hay thả tim (Y) để người đăng thông báo xác định được rằng, thông tin đã truyền tải đến các thành viên. Việc mỗi thành viên trả lời bằng một câu kính ngữ hoặc trao đổi các thông tin riêng tư thì nội dung thông báo sẽ trôi, khi cần tìm lại nội dung để xem thì mất nhiều thời gian, các thành viên chưa kịp xem khó tìm được thông tin của nhóm. Tệ hại hơn, trường hợp một thành viên nào đó nhắn lên nhóm vào ban đêm với nội dung không quan trọng thì sẽ mang sự phiền toái cho các thành viên còn lại.
Mỗi cá nhân khi tham gia nhóm chat nên thực hiện những quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội: Biết tôn trọng mọi người trong nhóm, trao đổi những thông tin cần thiết, ngắn gọn; nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình khi chia sẻ, phản hồi thông tin trên nhóm; có sự tương tác phù hợp. Đó chính là một trong những nét ứng xử văn hóa mà được đề cập tại Điều 28 của Bộ Quy tắc ứng xử trong EVN (ban hành theo quyết định số 25/QĐ-EVN ngày 10/01/2023)
Đoàn Thị Kiều Thu