Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, thời đại của không gian mạng, internet vạn vật, dữ liệu lớn và trong tương lai không xa sẽ có nhiều lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế cả con người. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin sắt đá rằng dù xã hội có phát triển đến đâu thì việc giáo dục con cái khó lòng mà máy móc hay AI nào có thể dễ dàng thay thế được.
Nhiều lúc, tôi tự hỏi: những đứa trẻ sinh ra trong thế kỷ XXI này, hay còn gọi vui là thế hệ gen Z, tuổi thơ của các con sẽ như thế nào? Liệu rằng những buổi chiều thả diều đá bóng, trốn tìm, nhảy dây như lớp chúng tôi ngày xưa ấy có còn? Và có lẽ, những ngày hè nắng cháy giữa đồng, những buổi mai lang thang bờ đê xanh mướt, những chiều đông nằm vắt vẻo lưng trâu chỉ còn trong tâm trí của thế hệ gen X, gen Y, những người đã trở thành cha mẹ như tôi?
“Người mẹ tốt hơn là người thấy tốt”, cuốn sách tôi được nghe bạn bè giới thiệu và đặt mua trên Tiki vào một ngày cách đây không lâu. Khi đặt mua sách, tôi cũng có đôi chút chần chừ khi mới chỉ thoáng nghe qua tựa đề cuốn sách; nhưng khi đọc rồi, quả nhiên, nội dung của nó không hề làm tôi thất vọng.

Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề lớn nhỏ trong quá trình nuôi dạy con cái, nhưng tựu trung lại là phương pháp để chúng ta có thể nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ con trẻ.
Xuyên suốt nội dung cuốn sách là hành trình lớn lên của cô bé Viên Viên thông qua lời kể của mẹ mình - tác giả, nhà giáo, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi, giúp tôi như tìm thấy chính mình trong những ngày thơ bé, cũng từng là một cô bé tò mò trước vạn vật, từng nhút nhát và bật khóc đầy ấm ức trước những trò đùa vô thưởng vô phạt của người lớn.
“Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” tác giả hoàn toàn không có ý so sánh vai trò giữa người thầy và người mẹ, chỉ là tác giả muốn đề cao vai trò của người mẹ, của gia đình trong hành trình phát triển của con. Dĩ nhiên, để nuôi dạy một đứa trẻ nên người không hề đơn giản chỉ có sự giáo dục từ gia đình, nhà trường mà còn của xã hội.
Bằng giọng văn gần gũi, thông qua những câu chuyện dung dị với lối kể chuyện nhẹ nhàng, tác giả đã cho chúng ta thấy cách ứng xử linh hoạt của người mẹ đối với con qua từng độ tuổi; vai trò ấy cần thay đổi trong hành trình phát triển của con.
Nếu ở những năm tháng đầu đời, ba mẹ có xu hướng thường yêu thương con trẻ vô điều kiện và dễ đau xót khi nhìn thấy con mình bị thương hay vì đau mà bật khóc; thì điều đó không đồng nghĩa là chúng ta sẽ nuông chiều theo mọi cảm xúc của con. Thực ra, yêu thương và nuông chiều là hai phạm trù khác nhau.
Con trẻ cần phải phạm sai lầm, bởi “phạm sai lầm là môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của trẻ, chỉ có học đủ một lượng “học phần” nhất định, trẻ mới có thể rèn được khả năng học một biết mười, tự mình kiểm điểm bản thân, tự mình hoàn thiện”.
Khi con bắt đầu đến tuổi đến trường, cha mẹ sẽ đóng vai là người bạn cùng chong đèn đọc sách cùng con, tuy thế cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta “ngồi kè kè bên con để làm bài tập cùng con mỗi khi đêm về” mà hãy học cách tôn trọng con, tôn trọng trong việc học tập cũng như trong việc cân nhắc kỹ trước khi con tự đưa ra quyết định cho chính bản thân mình. Cũng đúng thôi, nếu chúng ta “biến việc học hành thành một viên sôcola nhân rượu, có trẻ nào không thích không? Nếu biến việc học hành thành một viên thuốc đắng, làm sao trẻ thích được”.

Và, khi ở ngưỡng cửa cuộc đời, khi cô bé Viên Viên ngày nào trở thành một cô gái thiếu nữ thẹn thùng hay đỏ mặt, tác giả đóng vai là một người bạn để cùng khám phá hành trình cảm xúc cùng con một cách nhẹ nhàng và đầy ý tứ.
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà hầu hết các bậc phụ huynh khi đọc cuốn sách này đều tâm đắc với cách giáo dục con trẻ của tác giả. Những quan điểm mà theo suốt dòng chảy của thời gian tôi cho rằng vẫn không bao giờ cũ và luôn có giá trị ở mọi thời đại, như là:
Trẻ em cần phải đọc sách thật nhiều vì “Người không đọc sách là người mông muội, một gia đình không đọc sách là một gia đình vô vị, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc nông cạn”.
Rồi thì:
“Bố mẹ thường muốn tích cóp nhiều tiền hơn cho con, nhưng thực tế bao nhiêu tiền cũng không thể mua được niềm vui cho trẻ. Hôm nay tài sản mất đi, ngày mai có thể kiếm lại được, nhưng niềm hạnh phúc, cơ hội giáo dục trong quá trình trưởng thành của trẻ, nếu đã mất đi sẽ mãi mãi không thể tìm lại được nữa”.
Bà cho rằng:
“Đối với một đứa trẻ, sự tự tin, điềm đạm trong nội tâm quan trọng hơn sự thận trọng, rón rén; trí tò mò quan trọng hơn là không mắc sai lầm; sự can đảm dám tự lựa chọn quan trọng hơn là lựa chọn đúng đắn”
…
“Các bậc phụ huynh cần đứng trên góc độ của con trẻ để nhìn nhận vấn đề, đừng bắt ép con trẻ sống theo lối sống mà người lớn áp đặt cho chúng”, bởi “trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp tự nhiên sẽ phát triển”.
Đây quả một tư tưởng hiện đại trong việc giáo dục con, rất đáng để các bậc làm cha, làm mẹ như chúng ta học tập. Ba, mẹ hãy “buông tay để con bay”, hãy để cho con có một khoảng trời riêng để con được tự do trong chính thế giới của mình, vì theo bà nếu một đứa trẻ tự do thì đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ có lòng khoan dung.
Là một nhà giáo, một chuyên gia giáo dục có nhiều năm làm công tác giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình, nhưng trên tất thảy bà là một người mẹ. Vì vậy, ngoài những quan điểm giáo dục hiện đại, trí tuệ và độc đáo, khi đọc “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh, tình yêu thương con chảy tràn trong từng trang viết của bà.
Hy vọng rằng “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” với hình ảnh cô bé Viên Viên thông minh nhanh nhẹn, đôi lúc tinh nghịch, đôi khi trầm buồn nhưng vẫn luôn mang sự hồn nhiên của trẻ thơ đến một thế giới đầy sắc màu để giúp tôi và bạn, chúng ta phần nào tháo gỡ được từng nút thắt trong hành trình nuôi dạy con của mình./.
Bài viết: Nguyễn Thị Như Quỳnh