Phòng tránh chấn thương trong tập luyện tennis

Thứ ba, 11/7/2017 | 16:39 GMT+7

Chọn vợt: Bạn cần chọn loại vợt đúng, phù hợp về kích thước tay cầm, độ căng của lưới theo hướng dẫn của HLV về tennis.

Chọn giày và vớ: Nhằm giúp phòng tránh các chấn thương (đau cột sống thắt lưng, đau gót chân và lật cổ bàn chân...) khi chơi bạn nên lựa chọn giày chuyên cho chơi tennis, dùng miếng lót đế giày thật êm; vớ thì nên chọn loại vớ ngắn, ôm sát và khi đi buộc phải giữ chặt cổ chân.

Chọn nón: Nhiều người thường bị say nắng và lóa mắt khi chơi dưới trời nắng, tốt hơn bạn nên sử dụng nón để chống nắng và giúp đầu không bị ứ mồ hôi trong tập luyện và thi đấu tennis.

Làm nóng: Bạn cần phải làm nóng và khởi động thật kỹ trước khi chơi, hãy dành khoảng 5-10 phút để làm nóng như: nhảy bật tại chỗ, chạy quanh sân, thực hiện các bài tập kéo giãn gân cơ cho đến khi ra mồ hôi. Nếu không làm nóng cơ bắp mà chơi ngay thì rất dễ bị chấn thương.

Những lưu ý khi tập luyện:

- Những lúc cơ thể không được khỏe thì không nên chơi, tránh chơi dưới trời mưa, lúc có hơi men vì nó có thể làm cho bạn dễ bị chấn thương.

- Giữ cán vợt khô (lau khô cán vợt thường xuyên, hoặc xoa bột phấn để giúp tránh phồng rộp da bàn tay).

- Trong lúc đánh cú thuận tay cần hơi cong cánh tay và gập khuỷu, gân nhị đầu cánh tay và khớp vai sẽ chia đều lực, tránh được chấn thương khuỷu (hội chứng tennis elbow) .

- Ở cú đánh trái tay (back hand)  vặn xoay vai, sau đó mới vung cánh tay, không nên đặt ngón cái dọc cán vợt để đối trọng lực, sẽ gây bong gân ngón cái.

- Ở cú giao bóng  và  đập bóng (smash), người chơi không nên vặn lưng quá mức cần thiết, mà nên rùn gối xuống, nhón gót lên giúp giữ thăng bằng thân mình. Mặt khác, cánh tay phải hơi cong, nếu giao bóng  trong tư thế thẳng tay và gồng cứng cổ tay sẽ làm cho lực chấn thương dồn vào cổ và khuỷu tay.

- Để phòng tránh tổn thương gân gót Achilles bằng cách tránh động tác nhảy lên chạm đất chỉ trên vùng trước bàn chân vì có thể gây đứt gân gót. Động tác đúng là phải chạm đất đầu tiên bằng phần trước bàn chân, liền sau đó là gót chân. Phòng tránh đau gót chân do viêm cân gan chân (thường do quá tải bàn chân), phương pháp điều trị tốt nhất là ngưng chơi một thời gian, và khi chơi nên mang giày chuyên biệt có miếng lót êm nâng vòm trong bàn chân, và đệm gót giúp giảm đau.

Anh, chị cần trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu như: biết xử trí những chấn thương nhỏ như trầy mặt, bầm do đụng dập, viêm gân, bong gân, rách cơ nhẹ…

Nên có sẵn số điện thoại của bác sĩ tại cơ quan để liên lạc và đến xử trí ngay những chấn thương cấp cứu như: chấn thương đầu, trật khớp, bong gân khuỷu, cổ và bàn tay, hay gãy xương…

Những lưu ý sau khi luyện tập:

Sau khi luyện tập và thi đấu, cần thả lỏng các khớp, chạy nhẹ nhàng để cơ thể trở về trạng thái cân bằng. 

Chúc anh, chị ngày càng tập luyện tốt hơn và gặt hái được nhiều thành tích cao.

Võ Thị Phụng