6 nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ mới

Thứ tư, 24/1/2018 | 14:06 GMT+7

 

Ngày 18/1, đồng chí Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN đã dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018-2023. Trong đó, nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn Điện lực Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. 
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
 
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành: Từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gặp không ít khó khăn do sự biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng đây cũng là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đưa Tập đoàn trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 của đất nước.
 
Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò chính về đảm bảo đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, hệ thống điện có dự phòng trên 20%. Đầu tư phát triển điện nông thôn vượt chỉ tiêu được giao, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, thể hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, chất lượng cung cấp điện và dịch vụ khách hàng có bước phát triển vượt bậc; tổn thất điện năng giảm đáng kể; ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, năng suất lao động hàng năm tăng gấp 2 lần bình quân cả nước, việc làm được đảm bảo, thu nhập cho người lao động được cải thiện.
 
Ban Thường vụ Đảng ủy EVN, Lãnh đạo EVN ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của các cấp công đoàn và công đoàn viên thông qua các phong trào, hoạt động đã thực hiện đạt và vượt 6 nhóm chỉ tiêu mà Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam khóa IV đề ra, nổi bật nhất trên những mặt công tác sau:
 
Thứ nhất, công đoàn các cấp đã chú trọng vận động công đoàn viên, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức; quán triệt các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng.
 
Thứ hai, quan tâm, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động như tham gia xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, đảm bảo dân chủ cơ sở; phối hợp trong công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tích cực tham gia các hoạt động xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
 
Thứ ba, tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, nâng cao trình độ; xây dựng văn hóa cơ sở, giáo dục truyền thống; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thể dục thể thao ở cơ sở…
 
Thứ tư, tổ chức tốt các phong trào thi đua trong CNVC-LĐ, góp phần thực hiện thắng lợi  các nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, đơn cử như phong trào thi đua liên kết, thi đua lao động sáng tạo với gần 8.000 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất…
 
Những kết quả này đạt được nhờ sự nỗ lực, tận tụy, trách nhiệm của hơn 100.000 đoàn viên công đoàn, trên cơ sở định hướng của cấp ủy, sự hỗ trợ của lãnh đạo các đơn vị và của các cấp công đoàn.
 
Thời gian tới, Tập đoàn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: Thu xếp vốn cho đầu tư nguồn điện, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao; cuộc cách mạng KHCN 4.0 đòi hỏi Tập đoàn phải tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại, trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng được,...
 
Tập đoàn phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 12, Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 khóa XII; tiếp tục thực thi quyết liệt việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với khối lượng công việc rất lớn nhằm đáp ứng năng lực quản trị tiên tiến.
 
Vì vậy, công tác công đoàn nhiệm kỳ tới không những phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn để xây dựng được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phù hợp, mà còn phải xác định các giải pháp tham gia cùng đơn vị, vận động đoàn viên ứng phó với những thách thức nêu trên.
 
Trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn Điện lực Việt Nam cần tập trung xây dựng giải pháp thực hiện tốt những nhiệm vụ chính sau:
 
Thứ nhất, công đoàn các cấp cần đi sâu, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; động viên người lao động tham gia tích cực vào các chủ trương, đề án lớn của Tập đoàn; quán triệt tới người lao động về xu hướng tất yếu của quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các đơn vị nên sẽ có lao động dôi dư, thay đổi chủ sở hữu mới,…
 
Cần quán triệt để người lao động thấy rõ mục đích của cổ phần hóa là nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị và mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của chính người lao động.
 
Thứ hai, công đoàn phải nắm rõ và đề xuất những vấn đề vướng mắc, khó khăn của CNVC- LĐ; tích cực cùng Tập đoàn đánh giá, tổng kết, tìm tòi các mô hình tổ chức mới nhằm tăng thu nhập cho NLĐ, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư; giám sát đối với lãnh đạo đơn vị, kịp thời kiến nghị về những nơi, những sự việc xét thấy thiếu an toàn đối với NLĐ; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội nghị NLĐ từ cấp tổng công ty đến các đơn vị cơ sở với những nội dung định hướng trọng tâm để NLĐ và người sử dụng lao động bàn bạc, thống nhất; xây dựng khung thoả ước lao động tập thể để thực hiện thống nhất trong Công đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Thứ ba, tổ chức tốt việc chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với phương châm “từ cơ sở và hướng về cơ sở”.
 
Thứ tư, vận động đoàn viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực, chủ động tiếp cận và làm chủ KHCN; đẩy mạnh các phong trào sáng kiến, sáng tạo trong vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý điều hành, đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0.
 
Thứ năm, có định hướng dài hạn xây dựng đội ngũ cán bộ. Mở rộng đối tượng quy hoạch cán bộ công đoàn các cấp từ nguồn cán bộ chuyên môn, Đảng, Đoàn, không chỉ để bổ sung cho nhiệm kỳ 2018 - 2023 mà định hướng cho các nhiệm kỳ sau. Làm tốt công tác phát triển Đảng từ các công đoàn viên.
 
Thứ sáu, tham gia tích cực vào công tác giám sát, phát huy chức năng phản biện xã hội để có đề xuất, kiến nghị tới Đảng, cấp lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn nhằm xử lý, khắc phục kịp thời các tồn tại, khuyết điểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nguyễn Viết Toại - Sưu tầm